"Chúng tôi rất mong chờ. Ngay cả khi kết quả âm tính,áosưMỹtìmlạimẹruộtchohaicongốcViệlck chúng tôi cũng thấy biết ơn vì đã giúp ích cho hành trình tìm mẹ của các con", bà Luisa, 64 tuổi, giáo sư Đại học Princeton ở bang New Jersey chia sẻ về lần xét nghiệm ADN thứ ba trong vòng 5 tháng.
23 năm trước, vợ chồng Luisa nhận nuôi một cặp sinh đôi người Việt, đặt tên là Luke và Mark. Nay Luke đang học thạc sĩ còn Mark đã là một kỹ sư xây dựng.
Hai anh em Luke và Mark cũng cho biết đang có cuộc sống tuyệt vời. Dù vậy, những câu hỏi "mình là ai, đến từ đâu, cha mẹ như thế nào" luôn thường trực. Bố mẹ nuôi cũng luôn cởi mở với các cậu về nguồn gốc và ủng hộ họ đi tìm mẹ.
Để giúp Luke và Mark hiểu hơn về cội nguồn, năm 2016 gia đình đã về Việt Nam chơi và gặp lại ông bà nuôi đầu tiên của hai cậu bé. Vừa xuống xe, một cặp vợ chồng già chạy đến ôm hai cậu thiếu niên cao lớn mừng tủi. Cặp sinh đôi cảm tưởng như về chốn cũ, gặp lại người thân.
Sau chuyến đi, gia đình càng thôi thúc tìm lại cha mẹ ruột thịt của con. Thông qua một người bạn Việt Nam, bà giáo sư Đại học Princeton bày tỏ mong muốn này, song do dịch Covid-19 nên quá trình tìm kiếm bị gián đoạn. Họ gửi hồ sơ cho chương trình Như chưa hề có cuộc chia lytừ hai năm trước nhưng không có hồi âm.
Tháng 5/2023, họ gửi thông tin lên một kênh YouTube tìm kiếm người thân. Tài liệu gia đình thu thập được cho biết hai cậu bé sinh ngày 31/10/1998 tại Trung tâm y tế huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Do sinh non nên hai đứa trẻ được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương vào 3/11. Đây cũng là ngày bệnh viện ghi nhận người mẹ bỏ lại hai con.
Trong hồ sơ lưu tại bệnh viện, người mẹ tên là Đỗ Thị Chinh (16 tuổi), bố tên Đỗ Bình (23 tuổi) vào thời điểm năm 1998; địa chỉ ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Sau một thời gian liên lạc với gia đình không được, bệnh viện gửi các bé đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương vào ngày 3/12 năm đó. Cán bộ trung tâm đã tìm về Lộc Hưng - cách Bình Dương khoảng 70 km - để tìm gốc gác của hai trẻ nhưng không có ra ai có tên như tờ khai.
Trung tâm đặt tên cho hai cậu bé là Lộc và Minh. Cả hai đều có một cái sẹo bẩm sinh nhỏ, ở cùng một vị trí trên tai.
Hai anh em Luke và Mark khi 3 tuổi (ảnh trước) và khi tốt nghiệp đại học năm 2022 (ảnh sau). Ảnh: Gia đình cung cấp
Khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng, nhiều người đã liên hệ báo tin. Bà Luisa kết nối được với hai gia đình ở huyện Lộc Ninh. Trường hợp đầu là một cặp vợ chồng người Khmer không biết chữ, người vợ không biết nói tiếng Kinh. Họ không nhớ cụ thể thời gian sinh con nhưng nói xung quanh mốc năm 1998. Sau khi sinh non ở Bệnh viện Lộc Tấn (Lộc Ninh, Bình Phước), các bé được chuyển đi Bình Dương. Trong lúc các bé được đưa đi, người mẹ ở lại viện. Họ cho biết vì ngày đó cuộc sống nghèo khó và không biết đường đi lối lại nên đã không tìm lại con.
Trường hợp thứ hai là một cô gái khờ, lỡ dại mang thai khi mới 15 tuổi, được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Từ Dũ và sinh tại đây. Sau gần hai tháng các bé nằm lồng kính, ông bà ngoại nghèo khổ nên đã làm đơn nhờ trung tâm bảo trợ xã hội nuôi hộ, để sau này có điều kiện sẽ đi tìm lại, hoặc các cháu khôn lớn muốn tìm về.
Mặc dù có một số điểm không trùng khớp, gia đình bà Luisa vẫn tài trợ làm xét nghiệm ADN với cả hai gia đình. Kết quả cả hai lần đều cho thấy họ không có quan hệ huyết thống. "Đó là một quá trình mong chờ, hồi hộp, nên dù đã xác định tâm lý chúng tôi vẫn hụt hẫng", bà Luisa nói.
Trong quá trình này, vị giáo sư Mỹ kết nối được với một người dân địa phương ở cạnh Bệnh viện Lộc Tấn năm xưa. Hai tháng trước, bà bay sang Việt Nam và tìm về tận nơi chôn rau cắt rốn của con. "Tôi đến xã Lộc Hưng nhờ công an tìm kiếm người có tên như hồ sơ bệnh viện còn lưu lại nhưng không thấy. Sau đó tôi cũng lên huyện Lộc Ninh, cũng không tìm ra", bà kể.
Là người trực tiếp dẫn người phụ nữ Mỹ đi tìm tung tích mẹ ruột của con, chị Nguyễn Hương, 53 tuổi (ở Lộc Ninh), cho biết địa phương của chị là nơi sinh sống của một số đồng bào dân tộc thiểu số như S'tieng, Kmer, còn rất nhiều nơi vùng sâu xa không có Internet nên khả năng tiếp cận thông tin hạn chế.
"Bà Luisa nhờ tôi in những thông tin cơ bản của hai con để gửi vào các bản làng", chị Hương cho biết. Chị đã ép plastic hơn 100 tờ thông tin, những ngày qua đã vào được một số bản gặp già làng, trưởng bản truyền tin và treo thông tin tìm người thân dọc một số con đường.
Điều khiến người phụ nữ này tình nguyện hỗ trợ gia đình là cảm kích trước tấm lòng của người mẹ nuôi Mỹ. "Bà ấy đã bay cả một chuyến dài là để cho tôi và những người ở đây biết câu chuyện tìm con là có người thật, việc thật, để mọi người tin tưởng. Ngay cả khi nhiều thông tin không trùng khớp, bà vẫn sẵn sàng tài trợ kinh phí làm ADN, để không chỉ giúp mình còn giúp các gia đình khác", chị Hương cho hay.
Chị Nguyễn Thị Mơ, người đang hỗ trợ gia đình tìm kiếm cho biết ban đầu nghĩ trường hợp này không khó tìm vì có tên cha mẹ, địa chỉ đầy đủ, hai bé là sinh đôi nên sẽ nhanh chóng tìm ra. Nhưng đến nay quá trình tìm vẫn đang rất khó khăn. Thông tin trong hồ sơ còn lưu cho thấy bố mẹ đều có vẻ là người Kinh, nhưng ngoại hình cặp sinh đôi giống đồng bào dân tộc thiểu số hơn.
"Cả hai lần cán bộ trung tâm bảo trợ và bà Luisa về địa phương đều không tìm ra tên của bố mẹ hai em lưu trong hồ sơ ở bệnh viện. Vậy cha mẹ thật sự là ai? Liệu có phải họ đã ghi một cái tên giả hoặc đây là người khai sinh hộ?", chị Mơ đặt câu hỏi.
Trong ngôi nhà mới chuyển đến ở Beach Haven, bang New Jersey, bà Luisa cho biết chuyến đi về Việt Nam tháng trước giúp bà nhìn thấy cuộc sống khó khăn của người dân ở đây nên chắc chắn vào năm 1998 mọi thứ càng khó khăn với người mẹ trẻ sinh đôi và đẻ non khi tuổi đời còn quá trẻ.
Gần đây một trong hai con gái ruột của Luisa sinh con. Quá trình chăm sóc em bé vô cùng khó khăn, cần sự góp sức của cả nhà. Luke và Mark thấy quá trình mang thai và chăm một đứa trẻ khó khăn nhường nào nên càng trăn trở "không biết mẹ sinh mình khi còn trẻ vậy nay có khỏe không, có còn sống trên đời không? Nếu mẹ còn sống, có cảm thấy an toàn khi nhận anh em mình không?"
"Chúng tôi sẽ không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của mẹ, chỉ cần biết còn sống khỏe, sống tốt là đủ", cặp sinh đôi gốc Việt chia sẻ.
Phan Dương